Những thay đổi cơ bản
Theo TS. Thái Văn Tài - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học: Ở bậc tiểu học, sẽ có 10 môn học và 1 hoạt động giáo dục bắt buộc trong chương trình mới. Theo đó sẽ gồm các môn: Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Ngoại ngữ 1 (Lớp 3, 4, 5); Tự nhiên và xã hội (Lớp 1, 2, 3); Lịch sử và Địa lý (Lớp 4, 5); Khoa học (Lớp 4, 5); Tin học và Công nghệ (Lớp 3, 4, 5); Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ Thuật) và Hoạt động trải nghiệm (trong đó có tích hợp nội dung giáo dục của địa phương).
Nội dung môn học Giáo dục thể chất được thiết kế thành các học phần (mô đun); nội dung Hoạt động trải nghiệm được thiết kế thành các chủ đề; HS được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.
Các môn học tự chọn (dạy ở những nơi có đủ điều kiện dạy học và phụ huynh học sinh có nguyện vọng). Tiếng dân tộc thiểu số (dạy từ lớp 1 đến lớp 5); Ngoại ngữ (dạy ở lớp 1, lớp 2)
Như vậy, so với Chương trình GDPT hiện hành, Chương trình GDPT mới ít môn học hơn do thực hiện chủ trương tích hợp cao ở các lớp dưới. Tuy nhiên, trong Chương trình mới có thêm 2 môn học mới là Ngoại ngữ; Tin học và Công nghệ.
Mặt khác, Chương trình GDPT mới là chương trình học 2 buổi/ngày do đó số tiết học trong một năm học đều tăng lên.
Định hướng chung của đổi mới Chương trình lần này là hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Theo đó, học sinh cần tích cực, chủ động tham gia các hoạt động học tập; được tìm tòi, khám phá; được làm việc độc lập, hợp tác, trao đổi theo nhóm hay lớp, trong đó các em được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế. Tăng cường "tương tác" (giữa học sinh - GV; học sinh - học sinh; học sinh - Thiết bị dạy học; học sinh - môi trường nơi các em sinh sống…).
Học sinh được tạo cơ hội bộc lộ, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kĩ năng đã tích lũy được để phát triển. Dạy học hướng tới đáp ứng nhu cầu phát triển của từng cá nhân học sinh được chú trọng.
Cùng đó, Chương trình GDPT mới ở cấp tiểu học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết học không quá 35 phút…
Để giáo viên đáp ứng được yêu cầu
Thầy Phùng Thế Tùng - Hiệu trưởng Trường PT DTBT Tiểu học Tả Gia Khâu cho biết: 28 giáo viên của trường đang tích cực chuyển động trong công tác giảng dạy theo hướng đổi mới. Tuy nhiên, để thực hiện Chương trình GDPT mới, việc tập huấn cho đội ngũ từ quản lý đến giáo viên là tất yếu và không thể xem nhẹ.
Mặt khác, thầy Tùng cũng mong muốn dạy bộ SGK nào thì tập huấn theo bộ sách đó. Bởi theo thầy Tùng: "Nếu tập huấn chỉ chú trọng vào kĩ năng, phương pháp giảng dạy tích hợp, phát triển năng lực người học… nhưng không dựa trên SGK cụ thể thì giáo viên vẫn khó tiếp nhận.
Hơn thế, trình độ năng lực của giáo viên vùng sâu đến nay vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều giáo viên đã vào nghề 15 - 20 năm, sự tiếp nhận có hạn, đã quen với kiểu giảng dạy cũ.. Nếu việc tập huấn không cụ thể sẽ khó để thay đổi được tư duy và phương pháp dạy học truyền thống. Việc tập huấn càng cụ thể trên SGK thì giáo viên càng dễ tiếp nhận và truyền tải tốt nhất trong quá trình triển khai Chương trình GDPT mới.
Thầy Lê Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát - Thanh Hóa) cũng chung nỗi lo lắng về đội ngũ: Giáo viên chủ yếu là người dân tộc, năng lực chuyên môn còn hạn chế. Việc bồi dưỡng phải "cầm tay chỉ việc" cụ thể sát sao vô cùng cần thiết. Giáo viên cũng mong muốn được tiếp cận với SGK mới, có giáo án thiết kế nội dung, thời lượng chuẩn để giáo viên dễ dàng tiếp thu và thực hiện được ngay khi bước vào thực hiện dạy học theo chương trình mới….
Thầy Lê Quang Tùng cho rằng Bộ GD&ĐT cần đăng tải tài liệu trực tuyến lên mạng để giáo viên nắm được khung chung. Khi tập huấn giáo viên mới có kiến thức để thảo luận, học hỏi và triển khai…
Tâm tư chung từ đội ngũ giáo viên tiểu học cũng cho rằng: Cần được nắm bắt khung của Chương trình GDPT mới, ý tưởng, triết lý quan trọng nhất... sau đó là các vấn đề cụ thể cần triển khai. Như vậy, giáo viên cần được bồi dưỡng theo cả hai hình thức trực tuyến và trực tiếp. Việc bồi dưỡng giáo viên không chỉ dừng lại từng đợt mà phải cả quá trình…
Dự kiến năm học 2020 - 2021, cả nước sẽ có khoảng 63.500 lớp 1. Như vậy, bên cạnh sự tích cực của ngành GD&ĐT thì bản thân các địa phương cũng cần chủ động thực hiện bồi dưỡng giáo viên bằng ngân sách địa phương. Thời gian dự kiến và thực hiện xong bồi dưỡng sẽ trước tháng 12/2019 để sau đó sẽ tập huấn sử dụng SGK...
Theo Đức Trí (GD&TĐ)